Tin Kinh Tế

Site: Hội Doanh Nghiệp Quận 1
Course: Tin Tức 2024
Book: Tin Kinh Tế
Printed by: Guest user
Date: Thursday, 19 September 2024, 11:30 PM

Description


Bộ trưởng Tài chính: Thanh khoản chứng khoán Việt Nam ngang Singapore

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thanh khoản thị trường chứng khoán khoảng 1 tỷ USD một ngày, tương đương với Singapore.

Nhận định trên được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói với hơn 300 nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, ở Singapore, ngày 6/8.

Theo Bộ trưởng Phớc, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng chất lượng, trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tính tới tháng 7, thị trường có hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch. Vốn hóa thị trường cổ phiếu khoảng 278 tỷ USD, bằng 65% GDP năm 2023. Số lượng nhà đầu tư tăng mạnh với 8 triệu tài khoản, tương đương hơn 10% dân số trưởng thành.

"Trong khu vực ASEAN, chứng khoán Việt Nam là thị trường năng động với thanh khoản lên tới 1 tỷ USD một ngày. Mức này tương đương Singapore", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Ông cho hay Việt Nam tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích của các chủ thể tham gia. "Chúng tôi đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chí để được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới", ông nói thêm.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Singapore, ngày 6/8. Ảnh: MOF

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Singapore, ngày 6/8. Ảnh: MOF

Thị trường chứng khoán đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi vào 2025. Theo tính toán của World Bank, chứng khoán Việt có thể hút thêm 25 tỷ USD vốn ngoại tới 2030 nhờ nâng hạng.

Singapore được ví như một trong những "con rồng" của châu Á, là trung tâm tài chính lớn trong khu vực với sự hiện diện của nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư đa quốc gia hàng đầu. Ông Phớc nói Việt Nam - Singapore còn nhiều dư địa để phát triển, thu hút đầu tư, nhất là trong thị trường vốn, chứng khoán.

"Việt Nam bảo đảm các quyền lợi, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư", ông Phớc nói, thêm rằng môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được cải thiện không ngừng để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài. Cơ quan tài chính cũng cam kết đồng hành, tạo thuận lợi cho các đối tác, doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư.

Thực tế, Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam với tổng vốn cam kết gần 75 tỷ USD. Bảy tháng đầu năm, các doanh nghiệp nước này đã rót gần 6,52 tỷ USD, chiếm khoảng 36% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Số này cũng tăng hơn 79% so với 2023.


Nguồn: https://vnexpress.net/bo-truong-tai-chinh-thanh-khoan-chung-khoan-viet-nam-ngang-singapore-4778519.html

Vì sao Musk không hài lòng với chính sách xe điện dưới thời Biden?

Elon Musk vài năm qua không hài lòng với Tổng thống Mỹ, cho rằng ông Biden không nhận định đúng về xe điện và vai trò của Tesla trên thị trường.

Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla - gần đây gây chú ý khi công khai ủng hộ Donald Trump - ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa. Trước đó, Musk từng được coi là người ủng hộ đảng Dân chủ.

Theo giới phân tích, mối quan hệ giữa Musk và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xuống cấp vài năm qua. Đầu năm 2021, ông Biden bắt đầu hiện thực hóa cam kết tranh cử là thúc đẩy xe điện, thông qua hàng loạt chính sách hỗ trợ.

Nguồn tin của WSJ cho biết các lãnh đạo Tesla đã liên lạc với Nhà Trắng nhiều lần sau khi ông Biden nhậm chức, hy vọng kết nối Musk với Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các nỗ lực này đều không thành công. Nguồn tin trên cho rằng Biden không muốn làm mất lòng công đoàn xe hơi UAW quyền lực của nước này.

Khi đó, Tesla sản xuất hai phần ba xe điện chạy trên các đường phố Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng là hãng xe lớn duy nhất không có công đoàn. Các chính sách về lao động của hãng vì thế cũng bị giới chức theo dõi sát sao.

Đến tháng 8/2021, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh đặt mục tiêu nửa số xe hơi mới bán ra năm 2030 là xe không phát thải. Sau đó, ông tổ chức một sự kiện về xe điện, nhưng Musk không được mời tham dự. Quan chức Nhà Trắng đã gọi điện cho Tesla để xin lỗi vì điều này.

Tại sự kiện, lãnh đạo General Motors, Ford Motor và Stellantis đều có mặt. Các hãng xe trên có lượng xe điện sản xuất kém xa Tesla, nhưng lại có hàng nghìn nhân viên thuộc UAW.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và CEO Tesla Elon Musk. Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và CEO Tesla Elon Musk. Ảnh: CNN

Trong một sự kiện khác vào tháng 11 năm đó, Tổng thống Mỹ nhận xét "trong ngành xe hơi, Detroit đang dẫn đầu về xe điện". Ông cũng khen ngợi CEO GM Mary Barra "đã điện khí hóa cả ngành xe hơi". Những việc này khiến Musk giận dữ. Quý IV/2021, GM chỉ sản xuất 26 xe điện, còn Tesla đã bàn giao hơn 115.000 chiếc tại Mỹ.

CNN cho biết vài năm gần đây, Musk dần xa lánh đảng Dân chủ. Ông cho rằng đảng Dân chủ ngày càng thiên về cánh tả cực đoan, khiến ông khó ủng hộ các ứng cử viên đảng này.

Thậm chí, ông chủ Tesla công khai ủng hộ chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump. Sau thông tin về vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Mỹ hồi giữa tháng, Musk viết trên X rằng "tôi hoàn toàn ủng hộ cựu Tổng thống Trump và hy vọng ông ấy chóng bình phục".

WSJ trước đó đưa tin Musk lên kế hoạch đóng góp 45 triệu USD mỗi tháng cho American PAC - siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Donald Trump. Musk gần đây phủ nhận, cho biết góp "ở mức thấp hơn nhiều".

Những người thân cận của ông chủ Tesla cho biết việc tài sản của ông tăng vọt khiến tỷ phú thành tâm điểm chỉ trích của giới chức Mỹ gần đây. Ông từng tranh luận căng thẳng trên Twitter (hiện là X) với các nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders về đánh thuế tài sản các tỷ phú và quy định với các hãng công nghệ lớn.

"Không ai thích bị tấn công cả. Khi thành tâm điểm của các hành động chính trị, bạn sẽ phản ứng theo cách nào đó", Bradley Tusk - nhà đầu tư mạo hiểm tại New York nhận định.

Quan chức Mỹ cũng nỗ lực cải thiện quan hệ với Musk. Năm 2022, sau khi Biden khen ngợi GM và Ford về nỗ lực sản xuất xe điện, một người dùng Twitter bình luận rằng "không có Tesla". Musk đã trả lời bằng một bình luận chỉ trích Tổng thống.

Việc này khiến Nhà Trắng chú ý. Brian Deese - khi đó là cố vấn cấp cao cho Biden - đã gọi cho Rohan Patel, Giám đốc phụ trách chính sách công của Tesla bấy giờ. Deese nói rằng bình luận của Musk có vẻ gay gắt và muốn nói chuyện với tỷ phú để giải quyết lo ngại của ông. Trong cuộc nói chuyện, Musk phàn nàn rằng Tổng thống đã nói sai nhiều điểm về xe điện và không công nhận vai trò dẫn đầu của Tesla trên thị trường. Deese cho biết sẽ chuyển lời đến Tổng thống.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna - người có mối quan hệ thân thiết với giới công nghệ - cũng nỗ lực hàn gắn hai bên. "Các chính sách dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đã giúp Tesla và SpaceX rất nhiều. Musk cũng thường xuyên bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ với ông Obama", ông nói.

Musk cũng hưởng lợi lớn trong nhiệm kỳ của Biden. Tài sản của ông tăng từ 184 tỷ USD cách đây 4 năm lên 234 USD hiện tại, theo Forbes. Ông hiện cũng là người giàu nhất hành tinh.

Ngoài X, Tesla và SpaceX, Musk hiện điều hành 3 doanh nghiệp khác, là công ty đào hầm Boring Company, startup nghiên cứu cấy chip vào não Neuralink và công ty trí tuệ nhân tạo xAI. Tesla hưởng lợi lớn từ các chính sách hỗ trợ được thông qua dưới thời Biden. Trong đó, người mua xe điện được ưu đãi thuế lên tới 7.500 USD. Dưới thời Biden, SpaceX cũng ký được nhiều hợp đồng lớn với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), khoảng 4 tỷ USD.

Dù vậy, Musk gần đây còn gặp nhiều rắc rối hơn với chính phủ Mỹ. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đang điều tra liệu Twitter có vi phạm quy định không, khi cho báo giới tiếp cận các tài liệu của công ty. Bộ Tư pháp Mỹ thì kiện SpaceX với cáo buộc phân biệt đối xử khi tuyển dụng. Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) từ chối khoản trợ cấp 900 triệu USD cho dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink.

Vài năm gần đây, Musk bắt đầu thân thiết hơn với các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Trong một chương trình radio gần đây, CEO Tesla giải thích rằng đảng Cộng hòa hiện có các đường lối phù hợp với ông hơn.

Mối quan hệ giữa Trump và Musk cũng được đánh giá phức tạp. Đầu năm 2017, ông chủ Tesla rút khỏi hội đồng cố vấn kinh doanh của Nhà Trắng khi Trump thông báo rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong nhiệm kỳ của Trump, ông cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc đất nước được điều hành bởi "một người già".

Còn Trump cho rằng xe điện sẽ là thảm họa kinh tế với Mỹ và nước này cần tăng sản xuất, tiêu thụ dầu mỏ. Năm 2022, ông cũng tiết lộ trên Truth Social rằng Musk từng đến Nhà Trắng để thuyết phục Trump hỗ trợ các dự án của mình.

Tuy nhiên, vài năm qua, CEO Tesla dần bày tỏ quan điểm ủng hộ Trump. Ngay sau khi mua lại Twitter (hiện là X) cuối năm 2022, ông khôi phục tài khoản cho Trump. Musk còn chỉ trích Twitter thời kỳ trước đã kiểm duyệt các thông tin bất lợi cho Tổng thống Biden.

Trong một sự kiện tại Tesla hồi tháng 6, Musk được hỏi về mối quan hệ với Trump và việc cựu Tổng thống từng khen ngợi Tesla dù không thích xe điện nói chung. Ông trả lời: "Tôi đã nói chuyện với Trump vài lần. Ông ấy nói chuyện khá tử tế và tôi đã giải thích rằng xe điện rất tốt cho tương lai. Mỹ đang dẫn đầu về ôtô điện. Tôi cho rằng nhiều bạn bè của Trump đã dùng Tesla và đều thích nó. Ông ấy cũng là fan của Cybertruck (xe bán tải điện của Tesla)".

Trump gần đây cũng thay đổi thái độ với Musk. Đầu tháng này, cựu Tổng thống Mỹ hoan nghênh sự ủng hộ của tỷ phú. Ông nói rằng CEO Tesla không đề xuất thay đổi chính sách nào để có lợi cho xe điện.

"Những người khác cho bạn 2 USD và bạn phải đưa họ đi ăn, uống rượu. Nhưng Musk chưa bao giờ nói với tôi: ‘Tại sao ông lại giáng đòn vào xe điện?’ Vì ông ấy hiểu tôi không làm thế. Tôi đã lái xe điện. Chúng rất tuyệt vời, nhưng không dành cho tất cả mọi người", Trump nói.

https://vnexpress.net/vi-sao-musk-khong-hai-long-voi-chinh-sach-xe-dien-duoi-thoi-biden-4775078.html

Hà Thu (theo WSJ, CNN, Reuters)


Các hãng xe Mỹ giảm tham vọng về ôtô điện

Sau thời gian chi tỷ USD gia nhập cuộc đua ôtô điện, Ford và GM đang thu hẹp hoặc giãn kế hoạch đầu tư để sản xuất thêm xe xăng.

Để bắt kịp cuộc đua xe điện, các hãng xe Mỹ đã đổ hàng tỷ USD trong 5 năm qua để chuyển đổi hay xây dựng mới nhà máy. Họ kỳ vọng khách hàng sẽ đổ xô đi mua xe điện và sớm tử bỏ xe động cơ đốt trong.

Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện đã chậm lại đáng kể do một số người Mỹ lo ngại về giá bán, khó khăn trong việc sạc, đặc biệt là các chuyến đi dài. Thay đổi tâm lý tiêu dùng khiến nhà sản xuất phải điều chỉnh kế hoạch và quay lại sản xuất thêm xe xăng, dầu.

Tại Ontario (Canada), Ford từng định dùng nhà máy Oakville để sản xuất các mẫu SUV chạy điện vào 2025. Tuy nhiên, hồi tháng 4, Ford tuyên bố lùi thời điểm ra mắt đến 2027. Đến 18/7, hãng thông báo sẽ dùng nhà máy này để sản xuất mẫu bán tải F-Series Super Duty động cơ đốt trong. Ford nói rằng giữ nguyên tiến độ ra mắt SUV điện nhưng địa điểm sản xuất chúng giờ chưa rõ.

Giám đốc điều hành Ford Jim Farley cho biết Super Duty là mẫu xe rất quan trọng với doanh nghiệp và người dân toàn thế giới. "Ngay cả khi nhà máy ở Kentucky và Ohio của chúng tôi hoạt động hết công suất vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu", ông cho biết. Vì vậy, nhà máy ở Oakville sẽ bổ sung thêm công suất 100.000 xe Super Duty.


Xe được sản xuất ra tại nhà máy Oakville của Ford ở Ontario, Canada ngày 26/5/2023. Ảnh: Reuters

Xe được sản xuất ra tại nhà máy Oakville của Ford ở Ontario, Canada ngày 26/5/2023. Ảnh: Reuters


Động thái của Ford diễn ra một ngày sau khi GM nêu kế hoạch sản xuất 200.000 đến 250.000 xe điện năm nay, ít hơn khoảng 50.000 chiếc so với dự báo trước đó. Đầu tuần này, GM cũng từ chối nhắc lại tham vọng đạt công suất một triệu chiếc xe điện tại Bắc Mỹ vào cuối 2025.

"Chúng tôi đang linh hoạt. Chúng tôi chưa công bố mục tiêu công suất mới và sẽ thiết lập theo nhu cầu", người phát ngôn của GM cho biết. Nói trên CNBC, CEO GM Mary T. Barra thừa nhận sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được mức công suất đó, do doanh số bán xe điện chậm lại.

Bình luận với New York Times, Arun Kumar, CEO công ty tư vấn AlixPartners, cho biết sự hưng phấn với xe điện sau đại dịch đã khiến nhiều nhà sản xuất nghĩ rằng tăng trưởng sẽ bùng nổ. "Nhưng thực tế không phải như vậy và đó là một bước đi thông minh để đảm bảo rằng bạn không mất thị phần trong lĩnh vực xe động cơ đốt trong", ông nói về động thái của Ford và GM.

Sam Fiorani, Phó chủ tịch của công ty nghiên cứu AutoForecast Solutions, cho biết các nhà sản xuất ôtô truyền thống tiếp tục được hưởng lợi từ các nhà máy lâu đời chuyên sản xuất xe xăng, khiến chúng mang lại lợi nhuận cao hơn so với các mẫu xe điện. Với Ford, những chiếc Super Duty vẫn rất đắt hàng. Vì vậy, công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 3 tỷ USD để mở rộng sản xuất chúng, bao gồm 2,3 tỷ USD để lắp dây chuyền cho khu liên hợp lắp ráp Oakville.

Tăng trưởng nhu cầu xe điện trên toàn cầu chậm lại khiến các công ty chuyên xe điện dẫn đầu thị trường như Tesla và BYD cũng phải giảm giá kích cầu. Tesla đã không còn kỳ vọng doanh số tăng 50% mỗi năm sau khi doanh số toàn cầu giảm 6,6% trong nửa đầu 2024. Họ đồng thời trì hoãn kế hoạch xây dựng cơ sở lắp ráp ở Mexico và hủy cuộc gặp vào tháng 4 giữa CEO Elon Musk và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thảo luận về đầu tư nhà máy.

Báo cáo của S&P Global Mobility cho biết có 471.021 chiếc xe thuần điện đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2023. Thị phần xe điện cải thiện từ 6,9% lên 7,2%. Tăng trưởng vẫn dương là nhờ giảm giá và hợp đồng với các công ty cho thuê xe, theo hãng nghiên cứu Motor Intelligence.

Cách đây một năm, các ưu đãi phổ biến chỉ ở mức khoảng 1.000 USD mỗi xe nhưng hiện có chiếc được ưu đãi đến hơn 18.000 USD, ví dụ như Kia EV9. Hay như năm trước, Tesla Model Y và Cadillac Lyriq được trợ giá lần lượt 1.195 USD và 761 USD thì nay được giảm 5.570 USD và 17.732 USD.

Tom Libby, Giám đốc phân tích tại S&P Global Mobility, xác nhận xe điện có những tiến độ về mặt hiệu suất bán hàng thuần túy. Nhưng bên dưới những con số đó là các ưu đãi khổng lồ. "Điều này không bền vững và đang gây ra tổn thất cho các nhà sản xuất", ông nói.

Thực tế, Ford đã lỗ gần 4,7 tỷ USD trong hoạt động kinh doanh xe điện vào năm 2023 và dự kiến lỗ tới 5,5 tỷ USD năm nay. Hồi tháng 2, hãng cho biết thế hệ xe điện tiếp theo sẽ được ra mắt "chỉ khi chúng có thể có lãi".

Ngoài ra, một lý do khác cho sự do dự xe điện của các hãng ôtô Mỹ là họ đang ở trong thời điểm đầy khó khăn về mặt chính trị đối với ngành, theo New York Times. Các quy định về ôtô của Mỹ có thể thay đổi đáng kể nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử vào tháng 11. Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông Trump đã cam kết hủy bỏ nhiều chính sách của Tổng thống Biden, trong đó có chính sách khuyến khích sử dụng xe điện để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong lúc này, Ford ngày càng tập trung vào sản xuất xe lai xăng - điện (hybrid) để thu hút những người chưa sẵn sàng sử dụng xe thuần điện. Họ đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần sản lượng xe hybrid trong vài năm tới.

Phiên An (theo Reuters, NYT, CNBC)


Trừ lương công nhân vì mất hàng, doanh nghiệp bị phạt 70 triệu đồng

Công ty Nobland Việt Nam ở quận 12 trừ lương công nhân vì mất 3.000 áo thun bị UBND TP HCM phạt 70 triệu đồng do làm sai quy định. Theo quyết định xử phạt do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy vừa ký, Công ty TNHH Nobland Việt Nam bị phạt 70 triệu đồng vì trừ tiền lương của lao động không đúng quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp này bị phạt thêm 100 triệu đồng vì huy động công nhân làm thêm vượt quá thời gian quy định. Công ty TNHH Nobland Việt Nam, 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động trong ngành may mặc, sử dụng 2.700 lao động. Vào kỳ lương tháng 4, với lý do bị mất gần 3.000 áo thun, công ty đã trừ lương của công nhân ở khâu hoàn thành. Tùy vị trí, công nhân bị trừ thấp nhất gần 64.000 đồng và cao nhất 805.000 đồng.

Công nhân Nobland trong giờ sản xuất. Ảnh: Lê Tuyết

Công nhân Nobland trong giờ sản xuất. Ảnh: Lê Tuyết


Vụ việc sau đó bị công nhân phản ứng bởi doanh nghiệp không xác định được lỗi ở đâu nhưng trừ tiền tất cả lao động ở khâu hoàn thành. Công đoàn công ty cũng đề nghị thu hồi quyết định để bảo vệ danh dự cho lao động. Tại buổi đối thoại với công nhân thành phố hôm 11/5, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu ngành chức năng phải làm rõ vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, ngày 7/5, công ty trừ lương tháng 4 của 111 công nhân với tổng số tiền hơn 29 triệu đồng. Việc trừ tiền này là sai quy định. Hai ngày sau, công ty đã trả lại số tiền này. Ngoài ra, trong năm 2023, công ty huy động 119 người làm thêm giờ nhưng vượt quá 300 giờ trong năm là không đúng quy định.

Liên minh công nghệ gồm Intel, Google và Qualcomm

(VTC News) - Liên minh công nghệ gồm Intel, Google và Qualcomm 

đang tìm cách phát triển nền tảng phần mềm mới giúp các nhà phát triển có thể thoát khỏi sự thống trị của Nvidia.

Nvidia, hãng sản xuất chip đồ hoạ có vốn hoá 2,2 ngàn tỷ USD, đã trở thành “nguồn sống” của những mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tổng hợp. Bên cạnh phần cứng, sức mạnh của công ty này còn đến từ những dòng mã máy tính được phát triển gần 20 năm qua, khiến những đối thủ muốn hạ bệ Nvidia đều phải e dè. Hiện hơn 3 triệu nhà lập trình toàn cầu đang phụ thuộc vào nền tảng CUDA để xây dựng AI và các ứng dụng khác.

Khởi nguồn từ công nghệ phát triển bởi Intel, được gọi là OneAPI, một nhóm các công ty công nghệ - UXL Foundation, đã lên kế hoạch xây dựng bộ phần mềm và công cụ mới có khả năng lập trình nhiều loại chip AI. Dự án nguồn mở này hướng đến đưa mã máy tính có thể chạy trên thiết bị có chip và phần cứng bất kỳ.

Cái bóng của Nvidia với lĩnh vực AI là quá lớn.

Cái bóng của Nvidia với lĩnh vực AI là quá lớn.

“Bài toán đặt ra là làm sao có thể tạo ra một hệ sinh thái mở trong lĩnh vực máy học, có thể thúc đẩy hiệu suất và phù hợp với đa dạng phần cứng”, Bill Hugo, giám đốc đơn vị điện toán hiệu năng cao của Google nói. Gã khổng lồ tìm kiếm là một thành viên sáng lập UXL và hỗ trợ định hướng kỹ thuật cho dự án.

Reuters cho biết, trong nửa đầu năm nay, UXL sẽ chuẩn bị xác định những thông số kỹ thuật cơ bản, trước khi chuyển sang cho các kỹ sư tinh chỉnh và hoàn thiện vào cuối năm.

Liên minh công nghệ này cũng không loại trừ khả năng “kết nạp” thêm thành viên như gã khổng lồ đám mây Amazon, Microsoft và những nhà sản xuất chip khác. Kể từ khi thành lập vào tháng 9/2023, UXL đã nhận được sự đóng góp kỹ thuật từ các bên thứ ba, bên cạnh những thành viên tổ chức, và những người quan tâm đến sử dụng công nghệ mở.

OneAPI của Intel đã sẵn sàng được sử dụng. Bước tiếp theo, các chuyên gia sẽ tạo mô hình lập trình tiêu chuẩn dành riêng cho AI. Về lâu dài, UXL cũng sẽ hỗ trợ phần cứng và mã lập trình của cả Nvidia.

Dự án của UXL Foundation là một trong nhiều nỗ lực nhằm loại bỏ sự thống trị của Nvidia đối với phần mềm lập trình hỗ trợ AI. Theo hãng thống kê dữ liệu PitchBook, các nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp đã rót hơn 4 tỷ USD cho 93 dự án riêng biệt.

Mối quan tâm đến việc đánh bại Nvidia thông qua mắt xích phần mềm ngày càng nhận được sự chú ý kể từ năm ngoái. Công ty đồ hoạ này đã phủ bóng quá lớn khiến rất ít công ty khởi nghiệp có thể tạo ra đột phá khi CUDA trên lý thuyết là một phần mềm hấp dẫn, có đầy đủ tính năng và liên tục được phát triển bởi Nvidia và cộng đồng lập trình.

“Điều quan trọng là mọi người đã sử dụng CUDA trong hơn 15 năm qua và sử dụng nền tảng này để xây dựng các mã lập trình khác”, Jay Goldberg, CEO công ty tư vấn tài chính và chiến lực D2D Advisory nhận xét.


THẾ VIỆT(Nguồn: Reuters)

Nội dung chính bài phát biểu Tất niên 2023 của Chủ Tịch HĐQT

 

Năm 2023 vừa rồi là một năm cực kỳ khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung và ngành xây dựng, bất động sản tại Việt Nam nói riêng. Có thể khẳng định rằng trong suốt 36 năm kể từ ngày thành lập, thời gian vừa qua là thời gian có những sóng gió, những cơn bão tàn khốc nhất liên tục ập tới  của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng như trong đời doanh nhân của tôi. Những khó khăn đó xuất phát từ những biến động và sự cố khách quan của xã hội, những biến cố chưa từng xảy ra trên thế giới và ở Việt Nam. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng những khó khăn đã xảy ra đó có những lỗi chủ quan của chúng ta và trách nhiệm thuộc về cá nhân tôi và Ban Lãnh đạo Tập đoàn. Trong đó có thể kể đến 7 vấn đề thuộc lỗi chủ quan trong đó có 4 vấn đề trọng yếu:


  •  Hệ thống quản trị rủi ro chưa hiệu quả và chưa được nghiêm chỉnh thực thi
  •  Hệ thống quản lý hồ sơ thanh quyết toán còn nhiều lỗ hổng, chưa đảm bảo việc thu hồi nợ nhanh chóng, đúng hạn và hiệu quả
  •  Tính tuân thủ về kỷ luật lao động còn lỏng lẻo chưa thực sự nghiêm minh.
  •  Nhiều hiện tượng tiêu cực đã xảy ra khi công ty gặp nguy biến, có sự mất ổn định về các nguồn lực, đặc biệt về nguồn nhân lực.


Từ những lỗi này chúng ta phải nghiêm khắc rút ra những bài học xương máu để đảm bảo ngăn ngừa rủi ro và có các giải pháp ứng phó hiệu quả với mọi biến cố cho Tập đoàn trong tương lai.

Trong cuộc sống luôn có nhiều thứ để con người phải sợ, nhưng điều đáng sợ nhất chính là suy nghĩ bi quan và thái độ tiêu cực của chính mình. Suy nghĩ và thái độ đó sẽ khiến chúng ta tưởng rằng khó khăn kia là quá lớn không thể nào vượt qua được rồi bỏ cuộc.

Tập đoàn đã có một năm phải chống chọi với vô vàn nguy nan nhưng tôi cũng như Ban Lãnh đạo Hoà Bình luôn ghi nhớ lời dạy của Cố Chủ tịch Danh dự Lê Mộng Đào: “Thành công không tự mãn, thất bại chớ nản lòng “ và hiểu rằng thời gian luôn im lặng, tuy nhiên, thời gian lại có thể trả lời được tất cả các câu hỏi. Vì vậy, mà con người Hoà Bình không bao giờ bỏ cuộc, luôn kiên trì, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh và sức chịu đựng kiên cường đó đã giúp Hoà Bình vượt qua thử thách.

Thật đáng tự hào khi chúng ta đã vượt qua năm 2023 nhiều biến cố, đầy gian nguy để có ngày sum họp hôm nay! Nếu không có sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ rủi ro của những khách hàng,  đối tác, nhà thầu phụ, nhà cung cấp và sự  thông cảm cùng nỗ lực vượt bậc của toàn thể đội ngũ CBCNV, Hòa Bình có lẽ không thể vượt qua giai đoạn cam go, thử thách nhất đó.

Qua giai đoạn biến động lớn của Tập đoàn vừa rồi, người ở lại, người ra đi, dẫu khó khăn vô vàn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng chúng ta đã chứng minh được sức mạnh đoàn kết của đại gia đình Hòa Bình, văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp đã “ăn sâu” suốt 36 năm qua chính là nền móng vững chắc để Hòa Bình vượt qua khi gặp khó khăn bủa vây. Như lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói “Trăm triệu hạt mưa rơi, không hạt nào rơi nhầm chỗ - Những người ta gặp, không người nào là ngẫu nhiên”.

Từ tận đáy lòng, sự trân trọng, cảm kích và hơn cả là ân tình với đối tác, Nhà cung cấp, Nhà thầu phụ, anh em bạn bè thân hữu và các thành viên Hoà Bình đã có duyên may gặp nhau và gắn kết là điều mà tôi luôn khắc ghi trong trái tim mình.

Những khó khăn và trăn trở vẫn còn rất nhiều ở phía trước, nhưng tôi tin Lễ Tổng kết và Họp mặt Tất niên 2023 sẽ là một cơ hội quý giá đối với Ban Lãnh đạo, Ban Điều hành, Nhà thầu phụ, Nhà cung cấp, bạn bè thân hữu và toàn thể anh chị em CBCNV. Chúng ta được gặp nhau để có sự gắn kết bền chặt với nhau hơn, cùng nhau củng cố lại đội ngũ, cùng nhau nhìn lại một thời kỳ nguy nan nhất với nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc cần đúc kết và chia sẻ.

Tôi cũng hy vọng rằng thông qua mục tiêu, kế hoạch của năm mới 2024 và định hướng chiến lược của Tập đoàn trong dài hạn 5 năm và 10 năm được trình bày sắp tới đây, chúng ta sẽ thấu hiểu nhau nhiều hơn và từ đó tăng cường tinh thần đoàn kết với nỗ lực và quyết tâm cao nhất - phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch năm 2024 và chiến lượcc"KHÔI PHỤC VỊ THẾ" cho Hòa Bình trong 5 năm, 10 năm tới.

Một trong những thành công lớn nhất,  là chúng ta đã tìm được đối tác phù hợp và ký được những điều kiện hợp tác lý tưởng mà cả hai bên đều rất hài lòng.. Hai bên sẽ lập một công ty liên doanh tại một nước thứ 3, với số vốn 120 triệu đô la, mỗi bên góp 60 triệu đô la.

Trong đó Hòa Bình nắm giữ 51% và đối tác 49%.  Họ đã đồng ý mua máy móc thiết bị của Hòa Bình với định giá tương đương 45 triệu đô la, trong đó, Hòa Bình thỏa thuận nhận 30 triệu đô la tiền mặt, 15 triệu đô la góp vào vốn thành lập công ty. Ngoài giá trị hữu hình là máy móc thiết bị thi công, Hoà Bình còn góp vốn bằng giá trị vô hình bao gồm: thương hiệu doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam, kỹ thuật công nghệ thi công phong phú hiện đại; hệ thống quản lý doanh nghiệp, quản lý dự án tiên tiến; năng lực thiết kế và tổng thầu những dự án quy mô lớn; chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ cạnh tranh trong ngành xây dựng và mảng thị trường nước ngoài đã hình thành sau hơn 12 năm nghiên cứu thăm dò, nay đã sẵn sàng để khai thác. 


Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp rất đặc sắc của Hoà Bình được xây dựng qua hơn 3 thập niên cũng là một phần tài sản không thể thiếu đã được đưa vào góp vốn thành lập công ty liên doanh này.

Với phương thức trên, Hòa Bình chúng ta có thêm một công ty thành viên quy mô gần 3.000 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn điều lệ của Hòa Bình hiện nay là 2.740 tỷ đồng. Đặc biệt, theo phương thức hợp tác này, cổ phiếu của Hòa Bình không bị pha loãng. Cũng theo thỏa thuận hợp tác này, đối tác sẽ giao cho Hoà Bình làm tổng thầu thiết kế và thi công các dự án do họ đầu tư với tổng giá trị đầu tư là 10 tỷ đô la.

Khó khăn thử thách rất lớn với nhiều bài toán khó khi chúng ta là người đi tiên phong. Tuy nhiên, “tận nhân lực, tri thiên mệnh”, với những nỗ lực liên tục và bền bỉ, cuối cùng, cơ hội cũng đến với chúng ta. Sau rất nhiều nỗ lực, chúng ta cũng đã tìm được đối tác phù hợp với một phương án hợp tác lý tưởng cho chiến lược xuất khẩu xây dựng của Tập đoàn.

 

Anh chị em thân mến,



Xuất khẩu xây dựng là ước mơ, khát vọng của tôi nói riêng và của các thành viên Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nói chung và tôi tin chỉ có hướng đi này mới giúp Hòa Bình của chúng ta tiếp tục phát triển, từng bước khôi phục vị thế của mình. Hoà Bình với tốc độ tăng trưởng doanh thu 5 năm tăng 5 lần trong suốt 3 thập niên, chẳng khác gì loài cá voi, nếu không tìm đường ra biển lớn sẽ chết trong ao hồ chật chội.

Cũng có thế ví việc chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài của Hòa Bình như câu chuyện của cây tre. Cây tre khi được trồng xuống đất chỉ mọc lên vài phân trên mặt đất và nó dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét dưới lòng đất trong suốt 4 năm đầu tiên, khi gốc rễ đã đủ chắc thì từ năm thứ 5 nó mới bứt phá với tốc độ 30 phân mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt chiều cao 15 mét.

Trải qua hơn 12 năm nỗ lực triển khai chiến lược xuất khẩu xây dựng, Hòa Bình đã đi “cắm rễ” tại các thị trường nước ngoài, khắp các châu lục và hiện giờ Hoà Bình đã có những điều kiện thuận lợi nhất để ước mơ xuất khẩu xây dựng đó trở thành hiện thực.


Và tôi tin chắc rằng chúng ta nhất định sẽ thành công với chiến lược này khi hiện nay đã có những điều kiện cần và đủ để xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài bởi:

Như chúng ta đều biết ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam có sự bùng nổ mạnh mẽ sau một thời gian dài lên đến 50 năm dậm chân tại chỗ (từ năm 1945 đến năm 1995) do bị chiến tranh cũng như cấm vận và ngay sau thời gian dậm chân tại chỗ đó, ngành xây dựng Việt Nam đã nhanh chóng phát triển và lớn mạnh.


Đến nay có thể nói xây dựng Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh để phát triển ra thị trường nước ngoài. Chúng ta đã biết khai thác lợi thế của người đi sau để đạt được thành tựu vượt bậc đó. Suốt thời kỳ bùng nổ xây dựng, chúng ta đã có cơ hội học hỏi, tích hợp tinh hoa, ứng dụng những thành tựu mới nhất trong ngành xây dựng từ rất nhiều nước đã phát triển và nhờ vậy, hiện nay, chúng ta đang sở hữu công nghệ kỹ thuật cũng như phương thức quản lý xây dựng tiên tiến nhất, máy móc trang thiết bị hiện đại nhất trong xây dựng cũng như sản xuất vật liệu xây dựng.


Như vậy chúng ta không chỉ có năng lực cạnh tranh cốt lõi về thi công xây dựng mà còn có lợi thế về chuỗi cung ứng với nguồn nhân lực dồi dào, giàu tinh thần học hỏi và đổi mới, sáng tạo. Thị trường ngành xây dựng ở rất nhiều nước hiện cầu lớn hơn cung, còn Việt Nam thì ngược lại cung lớn hơn cầu. Hầu hết các công ty xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng chỉ hoạt động từ khoảng 50 đến 70% công suất, rất nhiều kỹ sư xây dựng thất nghiệp. Không chỉ dồi dào về nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, đội ngũ kỹ sư xây dựng của chúng ta được đào tạo qua thực tiễn, có trình độ chuyên môn cao, ham học hỏi và có tinh thần đổi mới sáng tạo, thừa hưởng những phẩm chất đáng tự hào của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay.

Tôi tin rằng xuất khẩu xây dựng là hướng đi đầy triển vọng của Hòa Bình. Ban Lãnh đạo Hoà Bình xác định thị trường nước ngoài ở khắp các châu lục đều rất tiềm năng, đặc biệt là châu Phi có thể khẳng định là “miền đất hứa” của chúng ta và chúng ta sẽ hiện thực hóa được ước mơ, hoài bão này với sự đồng hành với các đối tác chiến lược trong nước và sự tương trợ, cộng tác với đối tác nước ngoài qua việc thành lập công ty liên doanh nói trên.


Suốt những năm vừa qua, tôi đã đi tới nhiều quốc gia, và vào tháng 9 và 11/2023 vừa rồi, tôi đã có hai chuyến công tác và khảo sát quan trọng tới thủ đô Nairobi (Kenya) tại 14 công trình xây dựng. Qua 2 video clip tôi đã ghi lại và chia sẻ ở đây Chúng ta đã thấy rằng  ở 14 công trình có tới 13 công trình đều không có cần cẩu, vận thăng, giàn giáo thép. Nhà thầu ở Châu Phi hầu hết đều dùng những phương tiện thi công rất thô sơ, rất nghèo nàn và lạc hậu. Vô hình chung, đây đã trở thành lợi thế của Hòa Bình bởi từ lâu, Hoà Bình đã đầu tư hàng trăm triệu đô la cho máy móc, trang thiết bị và luôn đảm bảo duy trì được chất lượng hoạt động tốt sau khi đã khấu hao. Nếu lượng thiết bị này cùng con người Hoà Bình được đưa đến Châu Phi sẽ giúp cải thiện mọi mặt bao gồm chất lượng, tiến độ, an toàn, chi phí thi công xây dựng cho các công trình ở Châu Phi. Thị trường này hiện có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là thị trường xây dựng lớn nhất trong tất cả các châu lục trong những thập niên tới với lực lượng lao động tăng thêm đến 800 triệu người trong khi tổng tăng lao động ở các châu lục khác là âm 60 triệu người. Tôi tin rằng đây là một cơ hội cực kỳ to lớn cho Hòa Bình và các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.


Ở Châu Phi, lâu nay các nhà thầu xây dựng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã đến làm rồi, nhưng họ luôn giữ bí quyết công nghệ chứ không chuyển giao cho doanh nghiệp và đào tạo, huấn luyện chuyên môn kỹ thuật cho người địa phương. Hòa Bình nhất định sẽ thực thi một chính sách khác, chúng ta sẽ giúp cho lục địa này đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực xây dựng. Khát vọng của chúng ta, người dân của một quốc gia đã chịu quá nhiều đau thương bởi chiến tranh, là mang hoà bình, ấm no và hạnh phúc  đến cho nhân loại không phân biệt quốc gia, chủng tộc. Quan điểm của chúng ta, những thành viên  Hòa Bình rất rõ ràng: Trái đất này là Quê hương ta. Đi đến đâu chúng ta nhất định sẽ làm đẹp quê hương của mình đến đó. Sứ mệnh của Tập đoàn Hoà Bình là mang màu xanh của sự sống, màu xanh của Hoà bình và màu xanh của sự phát triển bền vững đến cho quê hương mình, trái đất này.


Năm cũ 2023 đã đi qua và tôi tin chắc rằng, năm 2024 sẽ là một năm, dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, sóng gió nhưng chúng ta nhất định sẽ không bao giờ chịu đầu hàng trước khó khăn, sóng gió đó. Bằng sự kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu chiến lược đã được đề ra, bằng sự hỗ trợ, giúp sức, đồng hành của quý khách hàng, đối tác, của bạn bè thân hữu, của Nhà cung cấp, Nhà thầu phụ, bằng sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm  của toàn thể CBCNV trong đại gia đình Hòa Bình, tôi tin chắc rằng không thử thách nào chúng ta không thể vượt qua. Hòa Bình nhất định sẽ vượt bão thành công để từng bước khôi phục vị thế, phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Và để làm được điều đó chúng ta phải khắc phục những sai phạm, những bài học xương máu mà chúng ta đã mắc phải ở những năm cũ bằng các giải pháp:


1. Củng cố và hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý của Tập đoàn, bảo đảm không để xảy ra sai sót trong việc lập hồ sơ thanh quyết toán cũng như đảm bảo không để xảy ra rủi ro nợ lớn quá mức ảnh hưởng đến sự an toàn của Tập đoàn khi có biến cố.

2. Chúng ta cần thiết lập hệ thống ghi nhận thông tin và giám sát mọi hoạt động của Tập đoàn bằng trực quan. Đó là Monitoring Center, một hệ thống quan sát đầy đủ nhất có người túc trực 24/24. Hệ thống này sẽ có hàng ngàn camera trên cả nước và nước ngoài. Toàn bộ hình ảnh hoạt động của Tập đoàn sẽ được báo cáo về Công ty từng giờ từng ngày và real time nhằm ngăn ngừa tiêu cực và xử lý mọi vấn đề phát sinh nhanh chóng và hiệu quả nhất. 

3. Chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa các ứng dụng sớm nhất những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ xây dựng để nâng cao hơn nữa chất lượng công trình, tiến đến Zero Defect, giảm đến mức tối thiểu chi phí sửa chữa sai lỗi tại công trường.

4. Tiên phong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tất cả các phòng ban bộ phận để vận dụng tốt nhất kiến thức, trí khôn của loài người và khai thác những giải pháp mà AI có thể cung cấp cho chúng ta một cách nhanh chóng và phù hợp nhất.

5. Kỷ luật lao động cần được tăng cao hơn nữa. Nguyên tắc công minh trong thưởng phạt sẽ được áp dụng triệt để. Thưởng được công bố thì phạt cũng phải được công bố. Như thế mới bảo đảm được sự công bằng và minh bạch trong thưởng phạt. Ban Lãnh đạo phải cân nhắc cẩn trọng và biết lắng nghe ý kiến của nhân viên các cấp và mới được anh em tâm phục khẩu phục trong thưởng phạt. Tất cả các vi phạm sẽ được công bố để rút kinh nghiệm và cũng là hình thức răn đe giúp chúng ta ngăn ngừa sai phạm, giũ được môi trường làm việc lành mạnh trong sạch.

Nói chung, chúng ta cần sẵn sàng trong tư thế của người tiên phong, cùng đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng một đội ngũ xuất sắc hơn nữa, phát huy tinh thần đoàn kết vượt khó, biết vận dụng những thành tựu mới nhất về kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và kỷ luật trong lao động, thực thi đúng đắn nhất những giá trị cốt lõi của Hoà Bình: tử tế, tiên phong, kỷ cương, kiên cường. Không thể những từ ngữ đó chỉ là khẩu hiệu suôn.


Tất cả những điều tôi vừa chia sẻ nêu trên đều hướng đến mục tiêu doanh nghiệp chúng ta dần ổn định, phát triển và phát triển bền vững. Khôi phục và tiếp tục xây dựng một môi trường doanh nghiệp tốt nhất, một môi trường làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, hiệu quả đòi hỏi mọi người chủ động, sáng tạo, tự giác tuân thủ kỷ luật, biết lấy những thành quả lao động làm niềm vui cho mình. Một môi trường làm việc thực sự mang lại hạnh phúc cho người lao động. Chúng ta cùng hướng đến xây dựng một doanh nghiệp mang tầm vóc quốc tế, xứng đáng đại diện Xây dựng Việt Nam tiên phong vươn ra thị trường nước ngoài và tạo được ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.


Chúng ta đừng quên rằng Hoà Bình đã có những thành tích xuất sắc.   Năm 2022 khi kỷ niệm 35 năm thành lập, Hoà Bình đã là doanh nghiệp xây dựng  có giá trị vốn hoá lớn nhất Việt Nam, có môi trường làm việc tốt nhất trong ngành xây dựng và là doanh nghiệp xây dựng uy tín nhất Việt Nam, được Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Doanh thu của Hoà Bình đã tăng liên tục và đều đặn 5 lần trong 5 năm. Chúng ta nhất định sẽ khôi phục lại vị thế số một và khi đã ra biển lớn có qui mô gấp 450 lần cái ao nhà chúng ta sẽ có điều kiện thuận lợi để lập lại thành tích 5 năm tăng doanh thu lên 5 lần.

Chủ tịch Lê Viết Hải,